Danh sách dược sĩ tư vấn Danh sách nhà thuốc

Tìm kiếm
Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844

Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Chửa ngoài tử cung là gì ? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Thứ hai, 11-11-2019 14:23 PM

chửa ngoài tử cung

 

Trong những thập niên gần đây, chửa ngoài tử cung đang có xu hướng ngày một tăng lên. Theo ước tính, tỷ lệ chửa ngoài tử cung hiện nay chiếm khoảng 1,3% các trường hợp thai nghén mặc dù tỷ lệ này trước đây chỉ là 0,58%.

 

Chửa ngoài tử cung là gì ?

Tình trạng thai không làm tổ ở tử cung mà ở một vị trí khác được gọi là hiện tượng chửa ngoài tử cung. Mặc dù có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau nhưng có đến hơn 95% số trường hợp chửa ngoài tử cung xảy ra ở vòi trứng. Ngoài ra có thể gặp chửa trong ổ bụng, chửa ở ống cổ tử cung…

 

Các vị trí thường gặp chửa ngoài tử cung

Trứng có thể phát triển ở bất kỳ phần nào của vòi trứng và gây ra hiện tượng thụ tinh ngoài tử cung. Do đó tình trạng chửa ngoài tử cung ở vòi trứng thường gặp nhất, có thể xảy ra ở loa, đoạn bóng, đoạn eo và đoạn kẽ của vòi trứng:

+ Chửa ở loa vòi trứng chiếm khoảng 5%.

+ Chửa ở đoạn bóng vòi trứng chiếm tỷ lệ cao nhất lên đến 80%.

+ Chửa ở đoạn eo vòi trứng gặp khoảng 10%.

+ Chửa ở đoạn kẽ vòi trứng chỉ khoảng 2%: trường hợp này mặc dù ít gặp nhưng hay bị vỡ sớm và xử trí bằng phẫu thuật nhiều khi gặp rất nhiều khó khăn.

Chửa ở trong buồng trứng rất ít gặp, chỉ khoảng 1% các trường hợp. Ngoài ra còn có trường hợp chửa trong ổ bụng nữa nhưng cũng rất hiếm (<1%)

 

Nguyên nhân gây chửa ngoài tử cung

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là những yếu tố tác động cơ học làm cản trở sự di chuyển của trứng:

+ Viêm vòi trứng, đặc biệt là viêm lòng vòi làm cho niêm mạc bị dầy, dính, lòng vòi bị hẹp lại. Hoạt động của biểu mô lông chuyển giảm đi, các nếp vòi trứng bị thay đổi góp phần gây ra tình trạng chửa ngoài tử cung.

+ Viêm nhiễm tiểu khung hoặc lạc nội mạc tử cung có thể dẫn đến hậu quả dính xung quanh vòi trứng.

+ Có sự bất thường về cấu trúc giải phẫu của vòi trứng.

+ Phụ nữ đã từng bị chửa ngoài tử cung trước đó thì lần có thai sau, nguy cơ bị chửa ngoài tử cung tăng lên đến 7-15%.

+ Người có tiền sử phẫu thuật vòi trứng như: nối lại vòi trứng sau đình sản, vi phẫu vòi trứng…

+ Nạo hút thai nhiều lần sẽ làm tăng nguy cơ chửa ngoài tử cung. Nếu như chỉ nạo hút 1 lần duy nhất sẽ thường không làm tăng nguy cơ nhưng từ lần thứ 2 trở đi thì nguy cơ bị chửa ngoài tử cung sẽ tăng lên gấp đôi.

+ Có khối u (u xơ tử cung, khối u ở phần phụ) làm rối loạn chức năng của vòi trứng.

+ Sử dụng dụng cụ tử cung để tránh thai cũng sẽ làm tăng nguy cơ chửa ngoài tử cung. Theo ước tính những phụ nữ thường xuyên sử dụng dụng cụ tử cung sẽ có nguy cơ bị chửa ngoài cao gấp khoảng 2 lần so với người không sử dụng. Tuy nhiên đây mới chỉ là nhận định của các chuyên gia mà chưa có bất kỳ  1 nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn cả.

Bên cạnh đó những yếu tố chức năng làm trứng di chuyển chậm về buồng tử cung cũng sẽ làm tăng nguy cơ chửa ngoài tử cung. Đó là:

+ Rối loạn chức năng nhu động của vòi trứng do ảnh hưởng bởi các hormon estrogen và progesteron. Có chuyên gia còn phát hiện thấy những sự thay đổi số lượng và mức độ ái tính của các thụ thể adrenergic ở tử cung và cơ vòi trứng cũng gây ra chửa ngoài tử cung.

+ Trào ngược dòng máu trong vòi trứng: trường hợp thụ tinh muộn hơn bình thường kết hợp với chảy máu bất thường, không đúng lúc sẽ làm ảnh hưởng đến sự di chuyển của trứng về buồng tử cung. 

+ Thời gian di chuyển của noãn kéo dài hơn bình thường: ví dụ trường hợp noãn được phóng ra ở buồng trứng bên này nhưng lại đi sang vòi trứng bên kia để thụ tinh. 

 

Xem thêm: Tổng quan về nội tiết tố estrogen của phụ nữ

 

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết chửa ngoài tử cung

Dấu hiệu chậm kinh

Khoảng 2/3 phụ nữ sẽ bị chậm kinh, còn 1/3 còn lại không có hoặc không rõ dấu hiệu chậm kinh. 

 

Triệu chứng ra máu âm đạo

Vì bong nội mạc tử cung do chức năng nội tiết của rau thai không hoàn chỉnh hoặc do trứng bị bong khỏi vòi trứng nên gây chảy máu. Máu thường ra ít một, xẫm màu, liên tục hoặc không liên tục. Đặc điểm ra máu ít một này là quan trọng bởi vì nếu ra máu âm đạo nhiều thường là do sẩy thai.

Nhiều khi rất khó phân biệt giữa ra máu âm đạo vì chửa ngoài tử cung với kinh nguyệt. Do đó khi đi khám, bác sĩ sẽ hỏi kỹ về lần hành kinh cuối: thời điểm thấy kinh, số ngày, lượng máu kinh, tính chất máu kinh… để có thể phân biệt được.

 

Hiện tượng đau bụng

Đây là triệu chứng luôn có trong chửa ngoài tử cung. Mức độ đau bụng có thể rất khác nhau và vị trí đau có thể là 1 hay 2 bên, đau bụng dưới hoặc đau toàn bộ ổ bụng. 

Đau bụng là do vòi trứng bị căng giãn và nứt vỡ hoặc vì có máu trong ổ bụng gây kích thích phúc mạc.

Đôi khi đau bụng có kèm theo mót rặn vì trực tràng bị kích thích.

 

Dấu hiệu toàn thân

Thai phụ bị choáng do giảm thể tích máu khi vỡ chửa ngoài tử cung, điển hình nhất là thể lụt máu trong ổ bụng. Biểu hiện sớm của choáng trước khi huyết áp tụt là mạch tăng nhanh.

Đôi khi người bệnh có thể bị ngất vì quá đau do vòi trứng bị nứt vỡ hoặc vì mất nhiều máu.

 

Dấu hiệu thực thể

Khám âm đạo qua dụng cụ mỏ vịt có thể thấy các dấu hiệu chứng tỏ có thai như cổ tử cung tím, đóng kín, chất nhầy ít và đặc quánh.

Tử cung to hơn bình thường nhưng không to tương xứng với tuổi thai do ảnh hưởng của nội tiết thai nghén, mật độ tử cung mềm.

 

Đó là những điểm cần lưu ý về khái niệm, nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết tình trạng chửa ngoài tử cung. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến vấn đề này, mọi người có thể gửi câu hỏi về hòm thư hoặc liên hệ trực tiếp đến tổng đài tư vấn miễn phí 18001044 để được chuyên gia giải đáp.

  •  

Danh sách nhà thuốc