Mục lục [Ẩn]
Hiện nay, rất nhiều các bậc phụ huynh thường lạm dụng những thiết bị điện tử để trẻ bớt nghịch ngợm, chịu khó ngồi yên 1 chỗ hoặc chịu ăn hơn. Không khó để bắt gặp cảnh những đứa trẻ vừa ăn vừa xem điện thoại hay chơi điện tử cả tiếng đồng hồ ở quán cà phê. Không chỉ khiến trẻ kém nhanh nhẹn, làm mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái giảm gắn kết, việc xem quá nhiều ti vi, điện thoại còn khiến trẻ dễ mắc nhiều bệnh về mắt. Mời độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Bệnh về mắt thường gặp ở trẻ khi tiếp xúc nhiều với màn hình điện tử
Bé 5 tuổi suýt hỏng mắt vì “nghiện” smartphone
Theo như lời chị Hoàng Huế chia sẻ, con trai chị bị nghiện điện thoại lúc mới hơn 1 tuổi, bé Su (hiện đã 5 tuổi) xem điện thoại liên tục, chỉ trừ những khi đi ngủ và ra ngoài chơi. Về sau chị thấy mắt con dần dần có những biểu hiện lạ, nhưng chị chủ quan không đưa đi khám, đến lúc thấy tình trạng của con bị nặng hơn chị mới đưa bé đến viện và bị bác sĩ mắng té tát là sao đưa con đi khám muộn thế:
"Hơn 1 tuổi là bé bắt đầu nghiện điện thoại. Hồi bé 2 tuổi mình thấy con ngươi mắt dồn về phía trong 1 chút nên có đưa bé đi khám nhưng lúc ấy con nhỏ quá và khóc, không hợp tác cho bác sĩ khám, đo mắt nên bác sĩ hẹn 5 tháng sau quay lại khám nhưng mình chủ quan không đưa đi khám.
Khi bé được 3 tuổi hơn thì mình cai điện thoại cho con, nhưng mình chủ quan, nghĩ bé bị nhẹ nên mình hạn chế cho con xem điện thoại là được. Đến bây giờ bé 5 tuổi rồi, dạo vừa rồi nghỉ hè ở nhà xem tivi nhiều mình thấy mắt bé cứ nhíu nhíu lại để nhìn và độ lác nhiều hơn bình thường nên mình đưa con đi khám. Bác sĩ kết luận 1 mắt lác hội tụ và 1 mắt loạn thị. Mình còn bị bác sĩ mắng sao lúc 2 tuổi không khám được thì 3 tuổi phải đưa đi khám ngay”.
Hình ảnh bé Su trong bệnh viện khiến nhiều người xót xa.
Bé Su sau đó phải đi phẫu thuật mắt, rất may là hiện giờ bé Su đã được xuất viện về nhà và, bây giờ bé chỉ cần nhỏ thuốc mắt theo đơn của bác sĩ.
Bài chia sẻ của Hoàng Huế hiện vẫn đang gây sự chú ý lớn trên mạng xã hội, nhiều mẹ bỉm sữa tỏ ra rất lo lắng khi thường ngày cũng để con sử dụng điện thoại nhiều, nhiều mẹ còn không quên tag người thân và chồng của mình vào để nhắc nhở hãy chú ý đến con cái của mình hơn.
Các bệnh về mắt thường gặp khi trẻ tiếp xúc nhiều với màn hình điện tử
Cận thị
Trong môi trường sống tràn ngập internet cũng như nhiều thiết bị điện tử, mắt trẻ càng dễ có nguy cơ mắc tật khúc xạ. Nguyên nhân do ở lứa tuổi này, cơ quan thị giác chưa hoàn chỉnh cả về mặt cấu tạo và sinh lý. Trong khi ở nhiều gia đình, do cha mẹ mải công việc nên để cháu có nhiều thời gian rảnh chơi điện tử, xem các chương trình game trên ipad nhiều hơn mức cho phép khiến mắt phải làm việc căng thẳng sinh ra cận.
Cách giải trí bằng xem điện thoại thông minh, ipad đòi hỏi sự tập trung cao độ do hình ảnh liên tục chuyển động. Những lúc ham chơi, trẻ dí sát mắt vào màn hình điện tử nên tật cận thị càng đến nhanh.
Trẻ hay bị khô và mỏi mắt do theo dõi điện thoại quá lâu
Khô mắt
Khi trẻ quá tập trung xem điện thoại thông minh, mắt trẻ không được điều tiết đúng cách, không chớp mắt liên tục dẫn đến tình trạng khô mắt. Nói cách khác, khô mắt xảy ra khi nước mắt tiết ra không đủ hoặc nước mắt không chứa lượng dầu cần thiết để cung cấp độ ẩm đủ cho mắt hoạt động tốt và tránh các tổn thương, nhiễm trùng.
Mỏi mắt
Trẻ em khi thường xuyên xem thiết bị điện tử sẽ phải đối mặt với tình trạng mỏi mắt do mắt phải hoạt động quá sức. Cảm giác nhức mỏi mắt gây ra nhiều khó chịu và nếu cứ kéo dài mà không được can thiệp cải thiện thì hậu quả để lại cho đôi mắt khá là phức tạp.
Tuy nhiên nếu biết cách cho đôi mắt nghỉ ngơi đúng cách thì mắt có thể khỏe mạnh lại nhanh chóng và không nguy hiểm. Bên cạnh đó, chứng nhức mỏi mắt cũng là dấu hiệu của một số bệnh lý về mắt ở trẻ mà cha mẹ cần chú ý và sớm cho con đi khám để điều trị đúng.
Lác mắt
Nếu trẻ có biểu hiện nheo mắt, không nhìn thẳng vào trọng tâm mỗi khi sử dụng màn hình điện thoại thì nên đưa con đến bệnh viện kiểm tra vì rất có khả năng bé bị lác mắt. Lác mắt về lâu dài có thể dẫn đến những bệnh nguy hiểm như đục thủy tinh thể hay hỏng giác mạc.
Những tác hại khác khi trẻ tiếp xúc nhiều với màn hình điện tử
Ảnh hưởng đến giấc ngủ
Việc xem các thiết bị điện tử quá nhiều, đặc biệt là vào thời gian trước giờ đi ngủ, em bé của bạn có thể sẽ cảm thấy khó ngủ, khó để tự dỗ mình vào giấc. Các ánh sáng nhân tạo phát ra từ điện thoại ngăn cản bộ não sản xuất một chất gọi là melatonin - giúp đi vào giấc ngủ và điều chỉnh chu kỳ ngủ. Bên cạnh đó, bước sóng xanh do điện thoại phát ra cũng gây ảnh hưởng đến nhịp sinh học từ đó gây khó ngủ.
Các bệnh về tâm lý
Bé gặp khó khăn khi cần phải tập trung, thậm chí là mắc các rối loạn về tâm lý và có thể dẫn đến trầm cảm sau này.
Điều này được giải thích là khi bé dành thời gian quá nhiều cho việc ngồi trước các màn hình điện tử, đồng nghĩa với việc bé cắt giảm thời gian tương tác vui chơi, hoạt động với những người xung quanh. Việc này cũng khiến bé chậm phát triển cả về thể chất do không được vận động một cách đầy đủ.
Trong gia đình có thói quen sử dụng thiết bị điện tử nhiều, về lâu dài, sẽ tạo nên một khoảng cách vô hình giữa cha mẹ và con cái. Nhiều cha mẹ chỉ muốn con im lặng và ít gây phiền nhiễu để được “yên ổn” hơn. Mối quan hệ của cha mẹ - con cái phải là sự tin tưởng, chia sẻ nhưng ở đây, họ chỉ đang là gánh nặng hoặc một nỗi phiền toái của nhau mà thôi. Tương lai, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm sinh lý của con.
Nguy cơ thừa cân và béo phì
Như đã nói ở trên, đây chính là một loại hoạt động “ì”, trẻ không cần phải vận động cơ thể mà thay vào đó sẽ ăn vặt nhiều hơn. Về lâu dài, việc này ảnh hưởng rất lớn đến cân nặng của trẻ.
Mỗi năm trung bình một trẻ em sẽ xem khoảng 20.000 quảng cáo, trong đó phần lớn các quảng cáo này là về các loại thức ăn thức uống nhanh, nhiều năng lượng và chứa nhiều đường. Xem quảng cáo hấp dẫn nên trẻ có xu hướng tiêu thụ những loại thức ăn này nhiều hơn, khiến trẻ bị béo phì .
Giảm sáng tạo
Một đứa trẻ không được xem các thiết bị điện tử sẽ có nhiều thời gian tham gia vui chơi cũng như các hoạt động sáng tạo khác nhiều hơn. Các hoạt động sáng tạo này giúp kích thích sự phát triển của não bộ và đem đến cho các giác quan, nhận thức của trẻ có những trải nghiệm vô cùng quý giá.
Trẻ có xu hướng chỉ bắt chước những gì thấy trên TV mà ít sáng tạo bằng khả năng của mình. Vậy thời gian trẻ tương tác với các màn hình càng nhiều trẻ càng ít sáng tạo, và chúng có xu hướng không thích các hoạt động đòi hỏi sự tưởng tượng hay sáng tạo chỉ với lý do là chúng đã quen với việc nhồi nhét những kiến thức một cách bị động.
Dấu hiệu cần đưa trẻ thăm khám bác sĩ
Khi trẻ sử dụng nhiều thiết bị thông minh và xuất hiện các biểu hiện sau thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để các bác sĩ khám mắt cho trẻ:
- Trẻ thường xem với khoảng cách gần, thường xuyên dụi mắt, chảy nước mắt, rất nhạy cảm với ánh sáng, nheo mắt, lé mắt.
- Khi đọc phải lấy viết dò từng hàng, hay nghiêng đầu sang một bên.
- Ngủ ít, hay giật mình
Đối với trường hợp trẻ bị nặng cần có các xét nghiệm cận lâm sàng cũng như đo điện não đồ để phát hiện các sóng thần kinh cục bộ, từ đó có những phương pháp điều trị tích cực và hiệu quả.
Những lưu ý khi cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử
Lưu ý khi cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử
Theo khuyến cáo năm 2019 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không nên cho trẻ dưới 1 tuổi sử dụng thiết bị điện tử, ngoại trừ trường hợp video call. Trẻ từ 2-4 tuổi cần hạn chế tối đa, dùng không quá 1 tiếng/ngày. Cùng đó, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cũng đưa ra khuyến cáo tương tự và bổ sung rằng chỉ nên cho trẻ sử dụng công nghệ tập trung vào các kênh giáo dục dành riêng cho lứa tuổi.
Đối với trẻ lớn hơn và thiếu niên, tuy không nên hạn chế hoàn toàn thời gian sử dụng thiết bị kỹ thuật số để học tập, giải trí, nhưng cần cân bằng với thời gian tham gia các hoạt động khác.
Ngoài ra, phụ huynh có thể tham khảo những cách chăm sóc mắt hữu ích dưới đây để giúp tạo thói quen tốt cho trẻ mỗi khi tiếp xúc với các màn hình điện tử.
- Áp dụng quy tắc 20-20-20: cứ sau 20 phút, hãy nhìn ra xa ít nhất 20 feet (khoảng 6m) trong 20 giây.
- Tránh sử dụng điện thoại ở ngoài trời hoặc những nơi có ánh sáng chói, nơi hiện tượng lóa trên màn hình gây căng, mỏi mắt.
- Điều chỉnh độ sáng và độ tương phản của màn hình phù hợp giúp mắt cảm thấy thoải mái.
- Tư thế sử dụng các thiết bị đúng.
- Khuyến khích trẻ giữ các thiết bị xa hơn: 45-60 cm là lý tưởng.
- Chú ý thường xuyên chớp mắt khi nhìn màn hình.
Với những thông tin trên, hy vọng phụ huynh có thêm thông tin để hiểu về các bệnh về mắt con mình dễ mắc phải khi xem nhiều màn hình điện tử. Để được tư vấn thêm, mời quý bạn đọc gọi điện về tổng đài tư vấn 1800.1044.
XEM THÊM: